Âm Dương Ngũ Hành trong Ẩm Thực Việt Nam và Trong Y Học Cổ Truyền

Thứ năm - 09/11/2017 20:18
Âm Dương đâu phải là những gì phức tạp, nó hiện hữu trong đời sống hằng ngày, trong cách chế biến ẩm thực của người Việt. Chúng ta có cách chế biến thực phẩm từ lâu đời và rất uyển chuyển, phong phú. Khi ta ăn cảm thấy ngon miệng nhưng thường không biết rằng trong đó là cả một nghệ thuật, những triết lý Âm Dương Ngũ Hành trong từng món ăn.
Ăn uống khoa học và việc dưỡng sinh tập luyện luôn đi cùng với nhau hỗ trợ nhau trong việc sống khỏe, an nhiên, thoải mái.
Ăn uống khoa học và việc dưỡng sinh tập luyện luôn đi cùng với nhau hỗ trợ nhau trong việc sống khỏe, an nhiên, thoải mái.

Theo triết lý Phương Đông gắn liền với Âm Dương Ngũ Hành, từ đó các học giả đều suy và luận phân chia mọi việc, mọi vật theo trật tự Âm Dương Ngũ Hành. Từ ngàn xưa, cổ nhân đã nói khi cơ thể mất Cân Bằng Âm Dương sẽ sinh bệnh, từ đó có những bệnh mà trong Đông Y gọi là Âm Thịnh Dương Suy. Tại sao lại mất cân bằng Âm Dương? Ăn uống sai cách, Lười vận động, Môi trường ô nhiễm,…

Ngài Ohsawa là một người phát triển hệ thống cách ăn uống phòng và trị bệnh theo nguyên tắc cân bằng Âm Dương. Từ Âm Dương mà ngài đã suy ra vạn vật và cụ thể trong một số cách để phòng và trị bệnh. Trong đó có những chứng bệnh nan y, mà khoa học không giải quyết được. Tại sao ngày xưa ông bà ta có gì ăn nấy, cuộc sống thiếu thốn, nhưng tuổi thọ rất cao. Nhưng giờ cuộc sống no đủ hơn, con người có nhiều sự lựa chọn về thực phẩm hơn, nhưng lại sinh ra nhiều chứng bệnh dị thường. Theo Đông Y những chứng bệnh đó đã mất cân bằng âm dương, cần ăn uống cân bằng và luyện tập thiền hoặc khí công để trị bệnh. "Thức ăn là thuốc", đó là câu của ông tổ Tây Y Hippocrates, những gì chúng ta đưa vào cơ thể qua ăn uống đều là thuốc. Khi xem một bữa ăn cho bệnh nhân trong bệnh viện Nhật Bản, rất đẹp mắt, rất bổ dưỡng, vì họ chú trọng dinh dưỡng bữa ăn để chữa bệnh. Nên vậy khi đau ốm chúng ta cần bồi bổ ăn uống để cân bằng âm dương được xem là một cách chữa bệnh hiệu quả.

bữa ăn bệnh nhân bệnh viện nhật bản


Bữa ăn của bệnh nhân trong Bệnh Viện Nhật Bản, đủ chất và trông rất đẹp mắt

Âm Dương đâu phải là những gì phức tạp, nó hiện hữu trong đời sống hằng ngày, trong cách chế biến ẩm thực của người Việt. Chúng ta có cách chế biến thực phẩm từ lâu đời và rất uyển chuyển, phong phú. Khi ta ăn cảm thấy ngon miệng nhưng thường không biết rằng trong đó là cả một nghệ thuật, những triết lý Âm Dương Ngũ Hành trong từng món ăn. Ngài Gegores Ohsawa xếp loại trái cây là thực phẩm Âm, hầu hết trái cây là âm, vì thế khi ăn trái cây tại sao chúng ta lại chấm với Muối. Muối là gia vị mang tính Dương. Có phải Âm Dương đã cân bằng không? Như đơn cử trái Chuối là thực phẩm Âm, nhưng ông bà ta luộc hoặc nướng lên để ăn, luộc lên là tăng tính Dương của Chuối. Khi ăn Chuối luộc ta cảm thấy êm bụng. Luộc nhưng phải lúc chuối chín tới hớt ra và cho thật ráo, chứ để trong nước lâu nó lại về âm. Để phân biệt thực phẩm Âm Dương nó như là một trò chơi cần người chơi nghiền ngẫm trong cách sử dụng, tùy vào nhiều điều kiện môi trường mà xem xét thực phẩm đó là Âm hay Dương.

chuối luộc cân bằng âm dương


Chuối luộc vào ăn ngoài ngon và ăn êm bụng, có phải phần Âm đã được Dương hóa lên không?

Ví dụ thực phẩm ở dưới vùng đồng bằng sẽ mang tính Âm, nhưng thực phẩm trên núi sẽ mang nhiều tính Dương. Như Sâm được trồng ở vùng lạnh trên núi cao thì cực kỳ tốt nó sẽ mang tính Dương, khi kết hợp Sâm hầm với Gà Ác để bồi bổ (Gà Ác theo Ohsawa là Dương). Khi dùng đối với người đau ốm thân thể mệt nhoài được xếp vào Âm thịnh ăn món Gà Ác và Sâm có phải đã giúp người bệnh khỏe mạnh , từ đó có phải là Dương và Âm đã được cân bằng không? Nên vậy tùy vào thể trạng của người đó mà ta nên dùng Dương nhiều hay Âm nhiều.

gà ác hầm với đảng sâm


Gà Ác hầm Đảng Sâm Ngọc Linh Kon Tum Việt Nam

Đơn cử  chúng ta ăn nhiều món ăn mát vào những tháng mùa hè và ăn những thực phẩm nhiều dương vào mùa Đông. Ai cũng ăn trứng vịt lộn một lần trong đời, Tây thì xếp đó là loại thực phẩm kỳ dị nhất, nhưng người Việt ta rất thích ăn vì nó bổ dưỡng, nhưng Trứng Vịt lộn thì được xếp vào Âm, vậy nên ta mới phải ăn chung với rau răm (Dương) để ăn cân bằng, êm bụng. Nên vậy Ẩm thực Việt Nam là cả một kho tàng kiến thức vô tận chứa đựng triết lý Phương Đông trong đó. Trong cuốn Vệ sinh yếu quyết, Danh Y Hải Thượng Lãn Ông đã truyền lại 36 loại cháo, 20 loại rượu... với những khả năng chữa bệnh khác nhau. Và lời ông nói cũng y chang ông Tổ tây Y Hippocrates:  “Nên dùng các thứ thức ăn, Thay vào thuốc bổ có phần lợi hơn.”

danh y hải thượng lãn ông


Danh Y Hải Thượng Lãn Ông: “Nên dùng các thứ thức ăn, Thay vào thuốc bổ có phần lợi hơn.”

Tôi có xem chia sẻ về món Phở người Việt của thầy Đỗ Đức Ngọc, đó là một món ăn chứa cả ngũ hành trong đó. Phở có đủ 5 vị, Ngọt, Mặn, Cay, Chua, Đắng phù hợp với Ngũ Hành Ngũ Tạng Ngọt, Béo – Dạ dày, Mặn – Thận, Cay – Phổi, Chua – Gan, Đắng – Tim. Trên thế giới không có nơi nào có Phở, chỉ có Việt nam có, đó chứa cả triết lý Ngũ Hành trong đó. Hiện nay lai tạp thông tin các kiểu trên truyền thông, rồi đủ các vị chuyên gia sức khỏe, nhưng kèm theo đó là những lời mang tính chất hù dọa. Vài bữa trước đọc báo thì chuyên gia nói ăn mặn ung thư, vài bữa bật lên cũng ông đó nói ăn đường ung thư, rồi đủ thứ thông tin lai tạp ăn này nọ ung thư,…Cuối cùng con người lo âu khiến họ chẳng ăn gì hết, cái gì cũng kiêng hết. Vậy lấy đâu Ngũ Vị để nuôi cơ thể? Nếu nói ung thư do ăn mặn thì có thể nói người miền biển họ đã bị tuyệt chủng cả rồi, vì dân miền biển ăn toàn cá khô mặn. Cái chúng ta cần biết trong Ohsawa nói đến, ăn uống là phải tiết chế không nhiều, không ít và phải vận động dưỡng sinh thì cơ thể mới cân bằng. Con người ở thành thị, công việc hiện đại, ngồi một chỗ làm việc, ít vận động nhưng ăn uống rất nhiều từ đó dẫn đến nhiều bệnh. Nên việc ăn uống và việc dưỡng sinh tập luyện luôn đi cùng với nhau hỗ trợ nhau trong việc sống khỏe, an nhiên, thoải mái.

phở việt nam top món ăn sáng


Không phải ngẫu nhiên Phở Việt đứng top đầu những món ăn sáng trên thế giới

Trong Đông Y có phương pháp Sao Vàng Hạ Thổ, cũng là một triết lý cân bằng Âm Dương. Sao để tăng tính Dương của Dược Liệu, sau đó Hạ thổ để Âm và Dương hòa hợp. Ngoài ra còn nhiều phương pháp Sao khác nhau cho từng loại dược liệu khác nhau để tăng tính Dương lên để điều trị bệnh. Thể hiện quan điểm rõ nhất về Âm Dương nữa là Bài “Lục Vị” Bổ Âm và “Bát vị” Bổ Dương, tôi nói vậy cho đơn giản, chứ Đông Y khi lý luận nó rất dài, nên nhiều người cho rằng Đông Y huyền bí. Khi nhìn chứng người bệnh sau khi Tứ chẩn xong thì sẽ xem xét phân loại bệnh nhân là Âm hay Dương rồi từ đó cho bài Lục vị hay Bát vị, ngoài ra từ đó làm gốc rồi thầy thuốc Đông Y sẽ cho thêm nhiều dược liệu khác để gia giảm tùy vào kinh nghiệm bốc thuốc.
 

luyện thiền và khí công


Luyện Thiền hay Khí Công kết hợp ăn uống cân bằng Âm Dương là một cách phòng và trị bệnh tốt

Cho nên triết lý Âm Dương, tuy nhìn vào chỉ là 2 mặt đối xứng nhưng xét ra nhiều khía cạnh có thể suy ra rất nhiều và áp dụng rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Trong Hoàng Đế Nội Kinh Y văn có từ hơn 4000 năm trước, cũng xoay mỗi khía cạnh Âm Dương, sau đó từ đó phát triển để luận bệnh trị bệnh dưỡng sinh. Ngày nay khi Ẩm Thực mỗi nơi trên thế giới phát triển, nước nào cũng muốn giới thiệu đặc sản ẩm thực riêng của mình, thì riêng với phương Đông thì Ẩm Thực mang triết lý Âm Dương không bao giờ thay đổi mà nằm sâu bên trong mỗi món ăn thực khách thưởng thức.

Tác giả bài viết: Nhật Trường - Y Sĩ Y Học Cổ Truyền

Nguồn tin: Nhật Trường Kon Tum:

Chú ý: Tất cả thông tin trên website chỉ mang tính chất tham khảo, nghiên cứu. Không có liên quan việc chữa bệnh hay bất kỳ phương pháp chữa bệnh nào. 
Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn Nhật Trường Kon Tum - www.nhattruongkontum.com là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây